Sự kiện ngày 3 tháng 2 năm 1930 Phú Riềng Đỏ

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, dưới sư lãnh đạo của Trần Tử Bình, lúc đó là Bí thư chi bộ Phú Riềng, hơn 5.000 công nhân cao su và người lao động của 10 làng trong khu vực đã tiến hành biểu tình, bao vây khu nhà chủ sở của công ty Michelin và buộc giới chủ phải đáp ứng thực hiện 6 quyền lợi thiết yếu bao gồm:

  • Cấm đánh đập
  • Cấm cúp phạt
  • Miễn sưu thuế
  • Trả lương cho nữ công nhân nghỉ đẻ
  • Ngày làm 8 giờ kể cả thời gian đi săng-chi-ê và về lán
  • Bồi thường cho công nhân bị tai nạn lao động

Công nhân đã phong toả toàn bộ khu vực đồn điền Phú Riềng, sau đó tiếp tục tuần hành từ nhà chủ sở về làng số 3 chiếm giữ khu trại cưa, tước vũ khí của viên giám thị và viên cai, chiếm nhà máy điện, nhà máy cưa, kho gạo, làm chủ các làng số 3, số 9. Toàn bộ đồn điền Phú Riềng trở thành "Khu đỏ" đặt dưới quyền quản lý của tự vệ và công nhân. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của chi bộ Đảng, toàn bộ các cuộc mít tinh biểu tình đều được thực hiện có tổ chức và trong hoà bình, không gây đổ máu, với phương châm "đấu tranh hợp pháp với đế quốc". Chính yếu tố này đã giúp cho phong trào đấu tranh đạt được một số thành quả tích cực và tránh những tổn thất cho lực lượng công nhân.

Sáng ngày 6 tháng 2, thực dân Pháp huy động xe bọc thép, hơn 300 lính lê dương, 500 lính khố đỏ, do đích thân Thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer, cùng Công sứ Biên Hòa Marty, Phó công sứ Biên Hòa Vilmont và Chánh mật thám Đông Dương Arnoux chỉ huy đã tiến tới khu vực đồn điền Phú Riềng. Chính quyền thuộc địa đã chuẩn bị một cuộc đàn áp mạnh tay đối với phong trào công nhân Phú Riềng, nếu có bất kỳ sự phản kháng nào của công nhân. Tuy nhiên, kế hoạch đã bất thành khi toàn bộ công nhân Phú Riềng vẫn sinh hoạt bình thường. Họ "... rủ nhau xếp hàng, ngồi trật tự nghe đại biểu của mình đấu lý với giới chủ và chính quyền thực dân". Dưới sức ép đấu tranh của công nhân giới chủ đồn điền và thống sứ Nam kỳ đã phải chấp nhận một số yêu sách của công nhân.

Tuy nhiên, sau đó, chính quyền thực dân đã tiến hành bắt giữ tất cả các lãnh đạo của phong trào Phú Riềng. Ông Trần Tử Bình đã bị kết án tù 10 năm và bị đầy ra Côn Đảo. Phong trào công nhân Phú Riềng vì thế đã lắng xuống trong một thời gian. Nhưng cuộc đấu tranh này đã xiết chặt thêm hàng ngũ của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng và rèn luyện thêm kinh nghiệm đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp và hoạt động bí mật cho những người còn lại.